Hợp tự nhiên ắt sẽ tiện nghi
- Thứ bảy - 17/08/2013 09:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ vật treo đến vật chưng
Ta hay nghe nói đến “khí, trường khí, nội khí” trong phong thủy. Đối với nhà ở, khái niệm “khí” vừa hữu hình vừa vô hình, có thể thấy được thông qua nắng, gió, cách bài trí…; có thể chỉ là cảm nhận về một sự thoải mái, thông suốt hay tù túng ở nơi cư ngụ.
Treo phong linh tại không gian giao tiếp giữa trong và ngoài như hàng hiên, sảnh đón sẽ kích hoạt khí hữu hiệu
Việc sử dụng các vật dụng có chức năng kích hoạt nguồn khí trong nhà luôn được các chuyên gia phong thủy lưu tâm, gọi chung là vật khí phong thủy, tập trung trong hai nhóm chính là vật treo và vật chưng.
Nhóm các vật dụng treo có thể kể như chuông gió, đèn lồng, hồ lô… giữ vai trò nâng cao cảm giác an lành về môi trường sống.
Nhóm các vật chưng như bể cá, tượng đá, bình gốm, các linh vật phong thủy… chủ yếu tính toán theo phương vị và điều kiện cụ thể để hạn chế mặt xấu, tăng cường mặt tốt cho nhà thông qua các suy luận về âm dương, ngũ hành và tính biểu tượng của vật dụng.
Việc sử dụng các vật treo thuộc về biện pháp gia tăng khí, kích hoạt sự vui tươi và sống động, tránh nhàm chán và tĩnh lặng quá mức. Cụ thể là tại cửa đi chính, cửa bếp, cửa hậu, phòng làm việc có thể treo chuông gió hay phong linh (ống kim loại xâu thành chùm) hoặc sáo trúc phát ra tiếng vui tai vừa kiểm soát người ra vào vừa tạo nét sinh động cho nội thất.
Dù có rất nhiều chủng loại, nguồn gốc vật liệu để tạo tác chuông gió như kim loại, sành sứ, gỗ hoặc đất nung… nhưng về cơ bản chuông gió là vật hỗ trợ kích hoạt âm thanh để bổ sung phần cảm nhận về thính giác cho không gian sống (ngoài các giác quan khác như thị giác, xúc giác…).
Người thời xưa xem chuông gió hàm chứa ý nghĩa mang lại may mắn và tài lộc bởi chúng giữ vai trò nghinh tiếp ở các vị trí cửa ra vào.
Người thời nay thấy chuông gió, hồ lô, sáo trúc… thuộc loại “nghe đồn đem đến may mắn” thì mua về treo lên, ít ra cũng nghe “lóc cóc leng keng” vui nhà vui cửa, còn về thực chất thì vận khí của nhà phụ thuộc vào nhiều các vấn đề cơ bản khác như vị thế nhà đất, phương hướng, vật liệu, thiết kế nội thất… chứ không thể chỉ nhờ mấy xâu tiền hay chùm phong linh treo trên đầu cửa mà giải quyết được.
- Ảnh bên: Tranh, tượng tôn giáo cần có vị trí thích hợp để giữ sự tôn nghiêm cần thiết
Còn các vật chưng, trong đó có khá nhiều linh vật mang tính truyền thuyết như tỳ hưu, thiềm thừ (cóc tài lộc), sư tử, rồng, ngựa, rùa đội hạc, cá… hiện được nhiều nơi kinh doanh quảng bá là có tác dụng cầu phúc, trấn trạch, thu hút tài lộc nhưng thực hư thế nào thì vẫn chủ yếu là những “ví dụ điển hình” thông qua các truyền tụng xuất xứ từ Trung Quốc.
Còn trong lý thuyết lẫn thực hành về phong thủy chính thống ở đất Việt thì vẫn đề cao yếu tố xem xét hài hòa Thiên – Địa – Nhân trong tương quan âm dương, ngũ hành chứ không phụ thuộc vào những vật trang trí thuần túy.
Do đó, không nên tôn sùng tác dụng của các vật dụng trang trí phong thủy, mà nên nhìn nhận chúng như một trong các biện pháp sắp xếp đồ nội thất có kết hợp trấn an tâm lý, tạo sự vui tươi sống động cho nơi ở.
Dùng đúng cách, giảm tốn kém
Xét thuần túy về mặt trang trí hợp quy luật âm dương, ngũ hành thì có thể vận dụng yếu tố tương sinh tương khắc theo hai cách để chọn lựa và đặt để vật dụng phong thủy cho đúng. Cách thứ nhất là theo tính chất của vật.
Các loại sáo trúc, chuông gió bằng gỗ, giỏ mây tre, hồ lô bằng vỏ quả bầu khô… thuộc hành Mộc thì nên bố trí tại các góc Đông và Đông Nam của nhà (cũng thuộc Mộc), hoặc tại hướng Nam (Mộc sinh Hỏa).
Các chuông gió, đèn chùm, xâu tiền, tượng đồng, giá binh khí… bằng kim loại, thuộc hành Kim sẽ thích hợp ở hướng Tây, Tây Bắc và chính Bắc (Kim sinh Thủy).
Còn các hướng Tây Nam, Đông Bắc và vùng trung tâm vốn thuộc hành Thổ thì nên sử dụng đồ trang trí bằng gốm, đá phong thủy, sành sứ hoặc các loại đèn, vật dụng có hình vuông, màu vàng, chất liệu gốm…
Cách thứ hai là chọn vật tùy theo không gian chứa vật. Có thể căn cứ vào tính chất ngũ hành của các khu vực sinh hoạt để tính toán phù hợp, ví dụ như phòng khách có tính kết nối và trung hòa thuộc hành Thổ thì nên dùng đá phong thủy theo các hành Thổ và Kim (màu vàng, trắng, khối vuông, tròn) kết hợp cùng đèn chùm có dạng tam giác (Hỏa sinh Thổ) là ổn.
Còn phòng ngủ, phòng ăn mang tính tiếp nạp, ổn định, nuôi dưỡng thuộc hành Mộc không thích hợp bố trí đồ bằng kim loại sắc nhọn (Kim khắc Mộc) mà chỉ nên chọn sáo trúc, đèn lồng bằng vải, mây tre là bình hòa hành Mộc, phù hợp hơn.
Với những không gian mang tính giao tiếp trong – ngoài, nơi đầu mối giao thông, có thể bố trí tượng đá, bình gốm, cây cảnh có tính chất vững chãi, bền chắc, giúp định hướng rõ ràng vị trí và lối đi lại, tăng sự trang nghiêm cho nhà ở.
Đối với những ai chưa có đầy đủ kiến thức, hoặc bị động do được biếu tặng đồ đạc, hay mua sắm theo ý thích riêng thì nên cân nhắc kỹ trước khi sắp xếp vật dụng phong thủy, để giảm tốn kém và bớt chiếm chỗ về không gian.
“Nhất vị – nhị hướng” là điều cần lưu tâm vì vật dụng phong thủy nếu không đặt đúng chỗ thì vừa làm giảm giá trị của vật phẩm vừa sai về các định vị phong thủy.
Cũng nên lưu ý không phải cứ vật dụng đắt tiền là có khả năng tăng cường khí vận hay đem lại may mắn nhiều hơn. Nguồn cầu đa dạng tự khắc sẽ có nguồn cung tương ứng với giá cả và giá trị vật chất tương ứng, tuy nhiên điều đó chỉ làm nên một thị trường đa dạng các sản phẩm trang trí phong thủy khiến nhiều người quan tâm và lưu truyền các đồn đại.
Do Việt Nam ta nằm trong khu vực có sự giao lưu, hỗn dung nhiều dòng chảy văn hóa của nhiều vùng khác nhau nên tồn tại rất nhiều quan niệm trái ngược khi sử dụng vật phẩm trang trí phong thủy.
Ví dụ: lò sưởi là chi tiết vừa sử dụng vừa trang trí kiểu phương Tây du nhập từ các xứ lạnh vào Việt Nam, gần đây các biệt thự, căn hộ cao cấp hoặc nhà kiểu Pháp cũ có khuynh hướng phục hồi, trang trí với lò sưởi với ý nghĩa phong thủy là giữ lửa cho nhà, tạo nơi quây quần ấm áp.
Bệ trên lò sưởi hiện nay thường hay được đặt tượng Phúc – Lộc – Thọ, tượng trang trí thần tài, cóc ngậm tiền… mang ý nghĩa cầu lành, tránh dữ, trong khi bên dưới vẫn có thể làm các hộc để vật dụng như sách vở, đồ kỷ niệm…
Nhưng nên lưu ý, lò sưởi không phải là bệ thờ, đừng biến chi tiết trang trí của phương Tây thành kiểu thức tôn giáo của phương Đông, mà nên xem đây như nét giao hòa giữa hai vùng văn hóa, khí hậu khác nhau, nếu không phù hợp với sinh hoạt, phong tục tập quán của địa phương mình, gia đình mình thì chớ miễn cưỡng gò ép sử dụng.
Linh vật, cây cảnh mang ý nghĩa trấn trạch tại Trung Quốc và Singaporec hưa chắc đã phù hợp với điều kiện địa lý – văn hóa Việt Nam, cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng
Ví dụ khác: chậu hoa giả và chậu hoa thật, hay một bể cá bằng điện và bể cá cảnh thật giống nhau và khác nhau thế nào là tùy cảm nhận và quan niệm. Nếu người dùng quan niệm chỉ cần “thứ gì đó tươi xanh, cần có nước và bơi qua bơi lại cho vui mắt, không lo chăm sóc, không quan tâm đến sự sống” thì hoa giả, bể cá điện là chọn lựa số 1.
Ngược lại, với người chơi bể cá thật, chơi cây cảnh thật thì sẽ rất kỳ công để chăm sóc, bảo dưỡng, giữ gìn cây – cá được tốt, bền. Hai loại giả – thật này không thể nói cái nào có giá trị hơn, mà chỉ là sự phù hợp khác nhau với từng đối tượng sử dụng có hoàn cảnh, nhận thức khác nhau.
Xưa Lão Tử từng nói “Vi như vô vi” để khuyên con người nên biết ứng xử theo lẽ tự nhiên, đừng chạy theo giá trị vật chất đơn thuần. Ngày nay trong một rừng bao la các truyền tụng phong thủy ẩn hiện dưới nhiều lớp vỏ vật dụng khác nhau, người sử dụng chẳng nên cưỡng cầu theo các giá trị chưa hề được kiểm chứng để hao tốn tiền bạc, thời gian vào các vật phẩm mơ hồ tốn kém.
Thay vào đó, khéo chọn thứ mình thích, mình hợp, khéo sắp xếp cho vừa mắt và không gây xa hoa lãng phí, khéo thay đổi thức thời theo hoàn cảnh và đối tượng sử dụng cụ thể… chính là thuận theo các quy luật tự nhiên. Khi đó sự tiện nghi và an lành sẽ đến, thật an nhiên, đường hoàng và bền lâu.
KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Xuân Trang