Đến năm 2020 toàn bộ giao thông đường bộ của thành phố Buôn Ma Thuột được nhựa hoá và bê tông hoá.

Thành phố Buôn Ma Thuột được xem là đầu mối giao thông liên vùng và giao lưu với các vùng trong khu vực và cả nước, kể cả với nước ngoài. Vì vậy, phát triển giao thông của thành phố Buôn Ma Thuột có tầm quan trọng đặc biệt, tính đặc biệt ở đây không chỉ ở vị trí, ở phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, mà nó còn là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất về an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên. Gắn xây dựng hệ thống giao thông đô thị với xây dựng đường giao thông ở các xã nông thôn mới, tạo tiềm lực cho việc thúc đẩy phát triển đô thị và ổn định an ninh quốc gia vùng nông thôn.

 

Để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, đảm bảo tính kế thừa, linh hoạt trên khắp địa bàn thành phố và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn và bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng biên giới từ nay đến năm 2020, thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng mới một số công trình giao thông đường bộ có yêu cầu cấp thiết; tiếp tục nâng cấp, hiện đại hoá Cảng hàng không, thiết kế xây dựng hệ thống hạ tầng tuyến đường sắt đi qua Buôn Ma Thuột.

Cầu Ea Tam (Cầu trắng) Tp.Buôn Ma Thuột đã được nâng cấp


Đường bộ toàn tỉnh hiện có 397,5km đường quốc lộ, trong đó: (Quốc lộ 14: 126 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông; Quốc lộ 26: 119 km, từ ranh giới tỉnh Khánh Hòa đến TP Buôn Ma Thuột; Quốc lộ 27: 84 km, từ TP Buôn Ma Thuột đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng; Quốc lộ 14C: 68,5 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông).
Đường hàng không: Hàng ngày có các chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Côn Đảo, Phú Quốc và ngược lại bằng máy bay cỡ trung A320 đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.
Xe buýt: Hiện nay, từ Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đã có các tuyến xe buýt đến tất cả Trung tâm các huyện, thị xã và ngược lại, trong tỉnh góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân.
 Đến 2015, về giao thông đường bộ sẽ nhựa hoá và bê tông hoá đường giao thông nông thôn, đến 2020 toàn bộ giao thông đường bộ của thành phố  Buôn Ma Thuột được nhựa hoá và bê tông hoá; Đầu tư xây dựng xong công trình Đường vành đai phía Tây Thành phố; Xây dựng xa lộ Đông - Tây: Từ Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột nối với cụm bến xe phía Nam thành phố.
Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng xong đường vành đai phía Tây Thành phố, hệ thống giao thông đường bộ của thành phố được xây dựng xong theo quy hoạch tương xứng với giai đoạn phát triển cao của Thành phố. 
Về giao thông tĩnh: Quy hoạch xây dựng 1 bến xe buýt ở trung tâm thành phố, hình thành mạng lưới các điểm đỗ xe buýt nội thị và đến các điểm ven đô, các huyện lân cận; Quy hoạch xây dựng 4 bãi đỗ xe tải tại những vị trí hợp lý ở cửa ngõ Thành phố.
Về giao thông hàng không: Theo quy hoạch phát triển hàng không Việt Nam giai đoạn đến 2010 và định hướng đến 2020 của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đến năm 2020 xây dựng xong nhà ga thứ 2 (nhóm B), phục vụ khoảng 800.000 hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm. Mở rộng quy mô diện tích, mở rộng đường băng, nhà ga và hiện đại hóa các trang thiết bị theo hướng quy hoạch trở thành Cảng Hàng không Quốc tế.
Về tuyến đường sắt Tuy Hoà - Buôn Ma Thuột: Theo Quyết định số 825/QĐ-BGTVT ngày 30/3/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cho phép lập Quy hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột - Chơn Thành và theo báo cáo Quy hoạch hướng tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột do Công Ty tư vấn thiết kế GTVT phía Nam lập tháng 10/2005, tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 160 km, trong đó đoạn nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 85 km. Tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ phục vụ cho việc lưu thông vận tải hàng hóa và hành khách không chỉ cho riêng tỉnh Đắk Lắk mà còn cho các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, liên kết Tây Nguyên với các cảng biển Duyên hải miền Trung và Nam bộ.


T.C

Nguồn tin: www.daktra.com.vn