ĐƯỜNG VÀNH ĐAI PHÍA TÂY: CỬA NGÕ MỚI CỦA THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

Cập nhật lúc 17:00, Thứ Hai, 27/05/2013 (GMT+7) Sau khi hoàn thành, Dự án đường vành đai phía Tây TP.Buôn Ma Thuột sẽ góp phần phá thế độc đạo giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ bằng Quốc lộ 14. Với ý nghĩa lớn lao đó, Dự án đã và đang được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thúc đẩy nhanh tiến độ…
 
Đường vành đai phía Tây, đoạn qua phường Thành Nhất.
Đường vành đai phía Tây, đoạn qua phường Thành Nhất.

Dự án trọng điểm

Dự án đường vành đai phía Tây TP.Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng từ tháng 11-2009, do UBND TP.Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 646 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Đường có tổng chiều dài gần 14km, rộng 36 mét, điểm đầu tại km710+750, đoạn từ Nhà máy bia Sài Gòn – Dak Lak, điểm cuối tại km724, ngay tại Đài Phát sóng phát thanh Dak Lak,  Quốc lộ 14. Hiện tại, cả 4 gói thầu của Dự án đã và đang được triển khai thi công phần nền mặt đường và hệ thống thoát nước, gồm: gói số 1, đoạn từ km0 đến km5; gói số 2, đoạn từ km5 đến km10; gói số 3, đoạn từ km10 đến km13+954 và gói số 4, gồm hạng mục cầu bê tông cốt thép dự ứng lực tại km13+475 và phạm vi đường giao thông ở 2 đầu cầu. Trong đó, đã triển khai thảm bê tông nhựa được 1km và 4km đang thực hiện móng cấp phối đá dăm và hệ thống cống dọc. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kỳ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án TP.Buôn Ma Thuột cho biết, đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.Buôn Ma Thuột nói chung, Dak Lak nói riêng nên trong quá trình triển khai thực hiện được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để Dự án bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, do đây là một Dự án lớn, đi qua khu vực nội thị nên chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) không hề nhỏ, gần 231 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng mức đầu tư của Dự án. Để công tác thi công tiến triển thuận lợi, chủ đầu tư cũng như đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ GPMB (Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột) thường xuyên làm công tác tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của tuyến đường, qua đó khẳng định sự hợp tác của những hộ dân dọc tuyến sẽ góp phần lớn trong việc đưa Dự án về đích đúng thời hạn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Dự án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo kiểu cuốn chiếu, GPMB đến đâu nhà thầu thi công đến đó.

Giảm tải cho thành phố Buôn Ma Thuột

Hiện, con đường duy nhất để người dân các tỉnh Tây Nguyên đi các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ là Quốc lộ 14. Do đó, lưu lượng xe và người tham gia giao thông trên tuyến đường huyết mạch này rất lớn, vì vậy cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông. Quốc lộ 14 cũng đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là đoạn từ cổng số 1 đến Bến xe phía Nam TP.Buôn Ma Thuột, vào giờ tan tầm tất cả phương tiện từ lớn đến nhỏ đều đổ dồn trên Quốc lộ 14, biến cung đường này trở thành nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn giao thông trong thời gian gần đây đối với người dân địa phương. Nhấn mạnh vai trò của đường vành đai phía Tây, ông Kỳ khẳng định: mật độ dân số ngày càng tăng lên ở khu vực nội đô tỷ lệ thuận với số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng theo, do đó đường vành đai sẽ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 14 và một số tuyến đường khu vực nội thành như Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng, đáp ứng yêu cầu giao thông của người dân địa phương và các tỉnh Bắc Tây Nguyên khi tham gia giao thông qua đoạn đường này. Chưa kể, tuyến đường còn góp phần tạo mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường, giảm lưu lượng xe cơ giới, lượng khói bụi thải ra môi trường khu vực trung tâm TP.Buôn Ma Thuột. Hơn thế, tuyến đường còn được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, phường có đường đi qua như Tân An, Tân Lợi, Cư Êbur, Thành Nhất, Tân Thành và Khánh Xuân. Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Khánh Xuân hồ hởi, mong tuyến đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để những hộ sống dọc tuyến và những người dân khu vực lân cận có cơ hội phát triển thêm ngành nghề mới, nhất là các hoạt động dịch vụ, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa, góp phần thay đổi diện mạo của các phường vùng ven.

Phải khẳng định rằng, đường vành đai là cửa ngõ mới của Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung, góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông ở khu vực thành phố, qua đó giảm dần các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở khu vực đông dân cư.

Hoàng Tuyết


Nguồn tin: baodaklak.vn