Đang truy cập : 5
Hôm nay : 1329
Tháng hiện tại : 20537
Tổng lượt truy cập : 5667184
Huyện Bình Chánh vừa hoàn thành việc tháo dỡ thêm 50 căn nhà xây dựng không phép ở ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng. Trên địa bàn các xã này còn khoảng 280 nhà sẽ bị tháo dỡ trong thời gian tới. Tình trạng xây nhà không phép diễn ra khá “nóng” tại huyện này, nhất là trong thời gian gần đây. Từ ngày 1-1-2013 đến
15-5-2013, huyện Bình Chánh xảy ra 218 vụ vi phạm xây dựng. Từ ngày 15-5 đến 20-6-2013 có 679 vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn 14 xã ở huyện Bình Chánh (trừ hai xã Quy Đức và Bình Lợi không có vi phạm xây dựng), tập trung nhiều ở các xã “nóng”: Vĩnh Lộc A (298 vụ), Vĩnh Lộc B (218 vụ), Bình Hưng (64 vụ).
Nỗi đau khi nhà không phép bị đập
Trong cơn mưa dầm dề trưa 17-7, vợ chồng ông Lê Ngọc Khanh và bà Ngô Thu Trang (ở ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A) vẫn cố đào bới đống xà bần từ căn nhà bị đập trước đó một ngày để mót những gì còn sót lại. Bà Trang cho biết cả đất và nhà trị giá khoảng 500 triệu đồng bỗng chốc biến thành một đống xà bần ngổn ngang. “Vợ chồng tui biết mình xây nhà không phép là sai rồi. Nhưng xung quanh ai cũng xây, hai tháng xây nhà chính quyền cũng không nói gì cả. Giờ bị đập, nhà không còn...” - bà Trang mếu máo.
Căn nhà một trệt một lầu xây kiên cố trên đất nông nghiệp của vợ chồng ông Khanh nằm sâu trong hẻm. Trước khi UBND xã Vĩnh Lộc A đến cưỡng chế tháo dỡ, ông Khanh vẫn không tin nhà mình sẽ bị tháo dỡ. Ông Khanh cho biết ông xây nhà hơn hai tháng nay. Ngày nào cũng có thợ làm nhưng tổ trưởng, ấp trưởng không nhắc nhở, không thấy UBND xã xử phạt hay lập biên bản.
Tại ấp 2, cùng xã Vĩnh Lộc A, từ đường 26 men theo bờ kênh nhỏ, một xóm nhà không phép khác cũng như ong vỡ tổ khi 11 căn bị đập, tháo dỡ. Bà Đặng Thị Đê, bí thư chi bộ ấp 2, cho biết trong 11 căn nhà vừa bị đập chỉ có một chủ nhà là người tại ấp, còn 10 chủ khác đều là những công nhân, lao động nghèo từ miền Bắc, miền Trung vào. Bà Đê nói khi có quyết định cưỡng chế, họ có tìm đến bà, khóc lóc xin sự giúp đỡ, nhưng không có cách nào giúp. “Bây giờ họ tá túc ở đâu, nợ nần ra sao tôi cũng không thể biết” - bà Đê chia sẻ.
Chiều 17-7, ông Trần Thanh Xuân (ở tổ 10, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A) tiếp chúng tôi trong căn nhà ông đang ở nhờ của một người quen gần nhà cũ. Chủ nhà kê thêm một chiếc giường ở phòng khách là chỗ ngủ cho vợ chồng ông. “Chắc tại nhà tui không có tiền chung chi nên mới bị tháo dỡ” - ông Xuân bắt đầu câu chuyện. Theo lời ông Xuân, cuối năm 2012 vợ chồng ông dốc hết tiền dành dụm và vay mượn thêm để đủ 115 triệu đồng mua miếng đất rộng 42m2 bằng giấy tay. Ông Xuân nói: “Tôi biết xây nhà là phải xin phép, nhưng đất của tôi không đủ rộng lại không đầy đủ giấy tờ để xin phép xây dựng. Thấy khu vực này nhiều người cũng xây nhà không phép mà không bị tháo dỡ, tôi xây liều cho có chỗ ở. Có người chỉ tôi “chạy” thì nhà sẽ không bị tháo dỡ, nhưng tôi không có tiền”.
Sau một ngày bị UBND xã Vĩnh Lộc A cưỡng chế tháo dỡ, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hiền (tại tổ 3, ấp 2) đã được thu dọn gọn gàng. “Sắt, tôn bị xe máy xúc ủi, móp méo hết, gom lại chỉ bán được sắt vụn thôi. Mất hết rồi” - bà Hiền nói trong nước mắt. Lô đất hơn 100m2 bà Hiền mua từ năm 2005, giấy mua bán đất có UBND xã Vĩnh Lộc A xác nhận. Thấy xung quanh nhiều người xây nhà, bà Hiền cũng tìm thầu để xây căn nhà bằng khung thép, vách mái bằng tôn. Trong suốt một tháng xây nhà, bà Hiền không bị ai đến hỏi han, nhắc nhở hay lập biên bản. “Ông thầu nói mọi chuyện ông lo rồi” - bà Hiền cho biết.
Tại ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi gặp ông Trần Hòa đang thẫn thờ trước căn nhà vừa bị tháo dỡ. Ông Hòa cho biết gia đình ông gồm bảy người, từ Quảng Ngãi vào đây năm năm trước, sống bằng nghề bán hủ tiếu gõ và nước sâm. Căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng bị đập, đưa cả gia đình quay lại ở trọ như lúc mới vào TP. Ông Hòa nói cả xóm nhà xây không phép, giờ tứ tán mỗi nhà một nẻo.
Ông Nguyễn Thanh Trọng - tổ trưởng tổ trật tự đô thị xã Vĩnh Lộc B - nói bà con có nhà bị cưỡng chế đa số đều khó khăn. Mất nhà là mất tài sản lớn. Sau khi cưỡng chế cũng không thể biết họ trôi dạt về đâu vì trong danh sách hơn 200 nhà bị tháo dỡ chỉ xác định được danh tính bảy chủ nhà. Còn lại đều được ghi là nhà vắng chủ, không thể xác định được chủ nhà thật sự là ai do không có giấy tờ hợp lệ.
Có chung chi mới xây được?
Gần như tất cả những người dân có nhà bị tháo dỡ đều biết việc xây nhà của họ là trái pháp luật, thừa nhận có chung chi cho một số người để việc xây nhà được trót lọt.
Ông Lê Ngọc Khanh, người có căn nhà hai tầng đúc giả bị đập (ở ấp 2A, Vĩnh Lộc A), cho biết ông phải tốn một số tiền không nhỏ đưa cho người môi giới để được ngó lơ việc xây nhà không phép. Ông Khanh còn nói cả xóm ai xây nhà không phép cũng phải tốn kém “phí tổn” tương tự. Trong quá trình xây dựng từ giữa tháng 5-2013, gia đình ông không hề nhận được yêu cầu ngừng công trình của chính quyền địa phương. “Cứ nghĩ đã chi tiền, không thấy ai nói gì nên mạnh dạn xây” - ông Khanh nói. Thậm chí khi có thông báo cưỡng chế, người đã nhận tiền của ông trước đó còn đề nghị ông đưa thêm tiền để đưa nhà ông ra khỏi danh sách bị cưỡng chế. “Xung quanh đây còn nhiều căn xây cùng lúc với nhà tui nhưng không bị cưỡng chế. Tui đề nghị phải giải thích rõ việc này. Nhiều người như tui vẫn còn giữ bằng chứng khi chung chi, tụi tui sẽ giao những bằng chứng này cho cơ quan chức năng” - ông Khanh cho biết. Tương tự, nhiều chủ nhà xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A đều nói họ có chạy tiền để nhà được tồn tại nhưng vẫn bị cưỡng chế. Họ còn khẳng định có nhiều căn nhà xây dựng không phép trong tháng 5, tháng 6 vừa qua nhưng có nhà bị tháo dỡ hoặc nhận được thông báo sẽ bị tháo dỡ, có nhà lại không thấy chính quyền đả động đến.
Bà Lâm Ngọc Lành (ấp 5, xã Bình Hưng) có dãy nhà năm phòng vừa bị cưỡng chế, cho biết thời điểm bà bắt đầu xây nhà, một cán bộ trong ấp gợi ý “chung chi” 150 triệu đồng để nhà không bị tháo dỡ. Bà có trao đổi và xin hạ giá thì được chấp thuận “chung” 100 triệu đồng. Bà Lành đưa trước 20 triệu đồng và hẹn cuối tháng 5 đưa đủ, nhưng khi nhà bà có thông báo tháo dỡ thì cán bộ này cho người đến trả lại. Ông Trần Hòa, ở xã Vĩnh Lộc B, cũng nói: “Tui đố ai không chi tiền mà xây được nhà. Bà con xây nhà không phép bằng tiền dành dụm cả chục năm. Nếu không được những người có chức trách “đảm bảo” thì không ai dám làm liều”. Số tiền chung chi ông Hòa cho biết thường thông qua môi giới, nên người nhận thật sự là ai thì chủ nhà chưa chắc biết được.
Xã, huyện nói gì?
Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Phan Bửu Thọ cho biết ông cũng xót xa khi cưỡng chế tháo dỡ nhà không phép. Ông Thọ cho hay hiện xã chưa phát hiện cán bộ nào nhận tiền chung chi để làm lơ hoặc bảo kê cho dân xây nhà không phép. Người dân có phản ảnh nhưng không nói rõ chung chi cho ai nên chưa có cơ sở để xử lý. “Người dân cứ nói rõ ai nhận tiền. Tôi sẽ chỉ đạo cán bộ lập hồ sơ để xử lý. Danh tính của người báo tin sẽ được giữ bí mật” - ông Thọ nhấn mạnh. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, nói chưa nhận được bất cứ thông tin cụ thể nào về việc tiêu cực chung chi.
Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết việc xây dựng không phép diễn ra trong thời gian ngắn và quá nhiều nên UBND các xã không kiểm soát hết. Người dân lợi dụng thời điểm thanh tra xây dựng sắp xếp lại lực lượng, cán bộ địa chính xã thì ít và không quen quản lý địa bàn để xây nhà không phép. UBND xã biết các trường hợp vi phạm nhưng vì quá nhiều nên không xử lý kịp. “UBND huyện cũng nhận được rất nhiều thông tin từ người dân về việc có chung chi cho cán bộ để được xây nhà, kể cả thông tin nhiều nhà không phép cùng thời điểm nhưng có nhà bị xử lý, có nhà không. Trong những thông tin này có rất ít trường hợp nêu địa chỉ cụ thể, rõ ràng nên UBND huyện chưa có cơ sở để xử lý” - ông Nhật giải thích. Ông Nhật còn thừa nhận thời gian qua ở huyện vẫn còn xuất hiện nhiều đầu nậu cố tình phân lô bán nền đất nông nghiệp hoặc xây nhà không phép, bán lại để kiếm lời.
D.N.HÀ - V.SỰ - H.LỘC
Mọi công trình xây dựng đều phải có giấy phép
Theo điều 12 nghị định 180 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, các công trình xây dựng đều phải có giấy phép xây dựng. Nếu không có giấy phép được xử lý như sau:
Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Nếu chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng.
Đối với những công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng thì bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Hà Nội: nhà “khủng” xây không phép
Nguồn tin: www.tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn